Nghị định 17/2020 được ban hành để sửa đổi bổ sung một số điều trong Nghị định 105/2017 về kinh doanh rượu, theo đó rượu được chia làm 2 loại là rượu độ cao trên 5,5 độ và rượu dưới 5,5 độ. Cụ thể có một số điều đang lưu ý đối với những hộ gia đình, cá nhân, sản xuất rượu thủ công, rượu nấu có độ cồn từ 5,5 độ trở lên.
Sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 105/2017
A. Điều 4 Nguyên tắc quản lý rượu
1. Kinh doanh rượu thuộc danh mục ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện. Tổ chức, cá nhân hoạt động kinh doanh rượu phải tuân thủ các quy định của Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia và các quy định tại Nghị định này.
2. Thương nhân sản xuất rượu công nghiệp, sản xuất rượu thủ công nhằm mục đích kinh doanh, phân phối rượu, bán buôn rượu, bán lẻ rượu có độ cồn từ 5,5 độ trở lên phải có giấy phép; thương nhân bán rượu có độ cồn từ 5,5 độ trở lên tiêu dùng tại chỗ, thương nhân kinh doanh rượu có độ cồn dưới 5,5 độ phải đăng ký với Phòng Kinh tế hoặc Phòng Kinh tế và Hạ tầng cấp huyện; hộ gia đình, cá nhân sản xuất rượu thủ công có độ cồn từ 5,5 độ trở lên bán cho cơ sở có giấy phép sản xuất rượu để chế biến lại phải đăng ký với Ủy ban nhân dân cấp xã nơi đặt cơ sở sản xuất.
3. Trong quá trình phân phối, bán buôn, bán lẻ rượu, thương nhân phải tuân thủ các quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường, an toàn thực phẩm, phòng cháy và chữa cháy.
Trong quá trình bán rượu tiêu dùng tại chỗ, thương nhân phải tuân thủ các quy định về phòng cháy và chữa cháy và bảo vệ môi trường theo quy định của pháp luật.”
B. Điều 5 Chất lượng và an toàn thực phẩm
Tổ chức, cá nhân kinh doanh rượu thực hiện công bố sản phẩm rượu, trừ trường hợp hộ gia đình, cá nhân sản xuất rượu thủ công bán cho cơ sở có giấy phép sản xuất rượu để chế biến lại. Thủ tục công bố sản phẩm theo quy định của pháp luật về an toàn thực phẩm và các văn bản quy phạm pháp luật hiện hành khác liên quan.”
C. Bổ sung khoản 5 Điều 16 Quyền và nghĩa vụ của thương nhân sản xuất rượu thủ công nhằm mục đích kinh doanh
5. Được mua rượu của hộ gia đình, cá nhân sản xuất rượu thủ công để chế biến lại.
D. Khoản 3 Điều 20 Hồ sơ đề nghị cấp Giấy phép sản xuất rượu thủ công nhằm mục đích kinh doanh
3. Bản sao Bản công bố sản phẩm rượu hoặc bản sao Giấy tiếp nhận bản công bố hợp quy hoặc Giấy xác nhận công bố phù hợp quy định an toàn thực phẩm (đối với rượu chưa có quy chuẩn kỹ thuật); bản sao Giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm, trừ trường hợp đối với cơ sở thuộc loại kinh doanh thực phẩm nhỏ lẻ theo quy định của pháp luật về an toàn thực phẩm.
Bãi bỏ một số điều, khoản của Nghị định 105/2017
Ngoài ra trong nghị định 17/2020 còn loại bỏ một số điều khoản về kinh doanh, sản xuất rượu
- Khoản 1 Điều 3. Định nghĩa về rượu
- Điều 7. Các hành vi vi phạm quy định của pháp luật về kinh doanh rượu
- Khoản 2, 3 và 6 Điều 11. Điều kiện phân phối rượu
- Khoản 2, 3 và 6 Điều 12. Điều kiện bán buôn rượu
- Khoản 4 và 5 Điều 13. Điều kiện bán lẻ rượu
- Khoản 4 Điều 14. Điều kiện bán rượu tiêu dùng tại chỗ
- Khoản 3, 4 và 7 Điều 21. Hồ sơ đề nghị cấp Giấy phép phân phối rượu
- Khoản 3, 4 và 7 Điều 22. Hồ sơ đề nghị cấp Giấy phép bán buôn rượu
- Khoản 5 và 6 Điều 23. Hồ sơ đề nghị cấp Giấy phép bán lẻ rượu
- Điều 24. Hồ sơ đề nghị cấp Giấy phép bán rượu tiêu dùng tại chỗ
Nguồn: Luật Việt Nam
Không có bình luận nào cho bài viết.